6 cách giúp tiêu hóa tốt

17/09/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Đường Tiêu Hóa Các Bệnh Sức Khỏe Tiêu Hóa
6 cách giúp tiêu hóa tốt

Rối loạn tiêu hóa do nhiều nguyên nhân như mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, ăn uống không đảm bảo vệ sinh, thiếu khoa học, uống nhiều rượu bia. Một số bệnh lý như viêm đại tràng, đau dạ dày cũng khiến tiêu hóa không ổn định, dẫn đến đầy hơi, ợ hơi, ợ nóng. Một số mẹo tự nhiên dưới đây góp phần giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa.

Bổ sung thực vật giàu chất xơ: Thực phẩm thực vật chứa chất xơ giúp duy trì nhu động ruột đều đặn. Chất xơ hòa tan làm đầy phân, tăng cảm giác no, góp phần giảm cân và ổn định cân nặng. Chất xơ hấp thụ nước, giúp tránh bị chuột rút hoặc đầy hơi. Thực phẩm giàu chất xơ như rau lá xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đậu. Bổ sung chất xơ từ từ, tăng dần trong chế độ ăn uống mỗi ngày để tránh đầy hơi, chướng bụng.

Ăn kèm một ít súp: Nước và các chất lỏng khác từ súp, nước dùng, canh xương hầm có thể dễ dàng đi qua hệ thống tiêu hóa. Bổ sung đủ lượng nước mỗi ngày để ngăn nguy cơ mất nước làm kích hoạt triệu chứng hội chứng ruột kích thích và viêm. Hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn nếu cơ thể có đủ lượng nước cần thiết. Hạn chế đồ uống có gas, có cồn vì dễ tăng axit dạ dày, gây ợ nóng, nhất là với người mắc các bệnh đường tiêu hóa.

Ăn chậm, nhai kỹ: Cách ăn uống này hỗ trợ thức ăn tiêu hóa từ từ, chậm rãi, không tạo áp lực co bóp cho dạ dày, đường ruột. Thức ăn được nhai kỹ có đủ thời gian trộn với enzym trong nước bọt, tạo điều kiện cho hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng hơn.

Vận động thường xuyên: Tập thể dục 150 mỗi tuần hoặc hơn tốt cho tim, thúc đẩy nhu động ruột hoạt động ổn định, nhuận tràng. Vận động giúp đốt cháy mỡ thừa, giảm kích thích vòng eo.

Tập thể dục ngay sau bữa ăn có thể gây khó tiêu, trào ngược. Mỗi người nên lên lịch tập luyện trước bữa ăn hoặc đợi ít nhất một giờ sau khi ăn. Đi bộ nhẹ nhàng vào buổi tối, sau bữa ăn hai giờ góp phần ngủ ngon, mang lại lợi ích cho sức khỏe nói chung và đường ruột nói riêng.

Bổ sung probiotic: Probiotics là vi khuẩn tốt có trong ruột. Chúng có trong một số loại sữa chua và thực phẩm lên men, hỗ trợ tiêu hóa thuận lợi. Bạn cũng có thể bổ sung probiotic dưới dạng thực phẩm bổ sung sau khi hỏi ý kiến bác sĩ.

Sữa chua chứa nhiều vi khuẩn có lợi probiotics. Ảnh: Bùi Thủy

Hạn chế chất béo: Chất béo có xu hướng lưu lại trong hệ thống tiêu hóa lâu nhất, gây khó tiêu. Bạn có thể nhận thấy dấu hiệu bụng chướng, đầy hơi, no hoặc nóng rát sau một bữa ăn quá nhiều chất béo. Một số món ăn chứa chất béo không tốt như khoai tây chiên, gà rán, tóp mỡ...

Người hay bị tiêu chảy, đầy hơi sau khi ăn nên ghi lại nhật ký ăn uống mỗi ngày. Ghi nhật ký có thể giúp bạn phân biệt món nào phù hợp, món nào không. Để tránh rối loạn tiêu hóa, nên hạn chế các món cay, nóng. Người có có vấn đề về trào ngược tránh thực phẩm có tính axit như cà chua, trái cây họ cam quýt vì dễ dẫn đến ợ nóng, đau dạ dày.

Hút thuốc cũng có thể làm rối loạn tiêu hóa, nên bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá thụ động. Thư giãn mỗi ngày, làm việc vừa phải để không gây áp lực, căng thẳng, từ đó khiến hệ tiêu hóa rối loạn.

Anh Chi (Theo WebMD)

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật