Hiện, tôi bị rong kinh 15 ngày, nguyên nhân do đâu, điều trị thế nào để có thêm con? (Thúy An, TP HCM)
Trả lời:
Khuyết sẹo mổ cũ (khuyết sẹo sau mổ lấy thai) thường gặp sau sinh mổ. Nguyên nhân có thể liên quan đến mổ lấy thai nhiều lần làm cản trở quá trình tưới máu tới các mô tử cung, gây chậm liền sẹo; người mẹ chuyển dạ trước mổ lấy thai, thời gian chuyển dạ trên 5 giờ; tư thế tử cung bị gập sau, mổ khi tử cung mở trên 5 cm. Vị trí vết mổ thấp, kỹ thuật mổ và khâu đóng cơ tử cung chưa phù hợp khiến hai mép vết mổ khâu không đều, các cạnh tử cung không liên kết chính xác, từ đó hình thành độ bám dính thấp và tạo sẹo khuyết.
Nguyên nhân khác như thai phụ béo phì, tiểu đường khi mang thai, người có tiền sử phẫu thuật tử cung do u xơ hoặc vách ngăn tử cung khiến vết mổ tử cung không lành hoàn toàn.
Sẹo khuyết hình thành các vết lõm trong buồng tử cung, ứ đọng dịch gây khó thụ thai tự nhiên. Tình trạng này cũng ảnh hưởng tới hiệu quả của phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF), bởi dịch đọng trong lòng tử cung gây độc tố đến phôi thai. Chất nhầy cổ tử cung cũng giải phóng các yếu tố gây viêm khu trú tại vùng khuyết sẹo khiến phôi làm tổ thất bại.
Bạn từng được can thiệp mổ nội soi tạo kênh dẫn lưu. Đây là phương pháp tạm thời tháo dịch ra khỏi tử cung để chuyển phôi IVF, không trực tiếp điều trị khuyết sẹo. Về mặt kỹ thuật, phương pháp này đơn giản hơn sửa sẹo đường bụng, tuy nhiên vẫn có cơ chế hình thành khuyết sẹo mới và cần được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề cao, trung tâm uy tín.
Bạn cũng từng được mổ sửa sẹo khuyết. Đây là can thiệp sâu hơn nhưng không thành công. Bản thân kỹ thuật này cũng có cơ chế hình thành sẹo mới. Hiện, bạn rong kinh kéo dài 15 ngày trong một tháng cho thấy tình trạng ứ dịch lòng tử cung rất nặng.
Bác sĩ Bảo Yến tư vấn phác đồ điều trị cho người bệnh. Ảnh minh họa: Hoài Thương
Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khi tiếp nhận và điều trị cho trường hợp khuyết sẹo mổ cũ, bác sĩ khám, nội soi buồng tử cung chẩn đoán nguyên nhân và tình trạng để đưa ra các phương pháp điều trị.
Bác sĩ thường cố gắng áp dụng các phương pháp điều trị nội khoa, điển hình như hút dịch khuyết sẹo hoặc bơm rửa các khuyết sẹo. Khi các phương pháp nội khoa không hiệu quả, bác sĩ mới chỉ định các phương pháp phẫu thuật sửa sẹo, bởi tỷ lệ thất bại của phẫu thuật là 30-40% do cơ chế hình thành sẹo mới.
Bạn nên đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản để được khám, điều trị với phác đồ cá thể hóa phù hợp nhất với tình trạng, giúp sớm có thêm con.
ThS.BS.CKI Phạm Thị Bảo YếnTrung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp