Vương gia đại viện, hay còn gọi là biệt phủ nhà họ Vương, nằm ở huyện Linh Thạch, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Đây là công trình dân cư lớn nhất Trung Quốc thời xưa, cũng là quần thể kiến trúc được bảo tồn hoàn hảo nhất và lớn nhất tỉnh Sơn Tây, được xếp hạng di tích lịch sử trọng điểm quốc gia năm 2006.
Biệt phủ họ Vương - ngôi nhà dân lớn nhất Trung QuốcBiệt phủ nhà họ Vương ở huyện Linh Thạch, tỉnh Sơn Tây. Video: CCTV
Tòa biệt phủ hàng trăm năm tuổi có tổng diện tích 250.000 m2, gấp 1,6 lần diện tích xây dựng của Tử Cấm Thành (150.000 m2). Bên trong biệt phủ nhà họ Vương có 123 viện nhỏ, 1.118 gian nhà, đều tựa lưng vào núi, cửa chính quay về hướng nam. Đây là hướng phong thủy tốt, đón gió mát mùa hè và chắn gió lạnh mùa đông.
Công trình là đại diện tiêu biểu cho kiến trúc dân cư thời nhà Thanh. Nhìn từ trên cao, con đường chính chạy dọc trục bắc nam chia quần thể thành hai phần đông và tây. Ba làn đường ngang từ tây sang đông chia các viện nhỏ thành 4 hàng ngang, kết hợp với trục đường chính tạo thành chữ Vương.
Điều độc đáo ở biệt phủ nhà họ Vương là bên trong có nhiều tác phẩm điêu khắc trên gỗ, đá và gạch, với chủ đề phong phú từ truyện dân gian, chim chóc và động vật quý hiếm cho tới kỹ thuật chạm nổi, chạm nông.
Tổ tiên nhà họ Vương sinh sống ở Lang Nha, gần Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông ngày nay. Họ di cư dần về hướng tây và tới năm 1313, gia chủ Vương Thành Trai đưa cả tộc tới thôn Tĩnh Thăng khai hoang, định cư ở đó hơn 600 năm.
Từ thời nhà Minh, nhà họ Vương bắt đầu kinh doanh buôn bán và đến đầu nhà Thanh, quy mô kinh doanh bao trùm nhiều lĩnh vực, từ những mặt hàng truyền thống như lương thực, ngựa, chuyển sang các mặt hàng lợi nhuận cao hơn như muối, trà...
Nhà họ Vương trở thành một trong tứ đại gia tộc ở huyện Linh Thạch và biệt phủ không ngừng mở rộng từ năm 1654 tới 1820 dưới các triều đại Khang Hi, Ung Chính, Càn Long và Gia Khánh.
Năm 1853, phong trào Thái Bình Thiên Quốc tấn công thành Dương Châu ở Giang Tô và giết chết Vương Hồng Tiệm, gia chủ đời thứ 21 nhà họ Vương.
Mất đi gia chủ và vô số tài sản, nhà họ Vương dần suy yếu nhưng vẫn là dòng họ giàu nhất huyện Linh Thạch, cho tới khi chiến tranh loạn lạc khiến cả gia tộc ly tán, con cháu phải bán bớt một phần nhà cửa.
Ông Vương Nhu Kiệt, 80 tuổi, là con cháu đời thứ 22 của nhà họ Vương. Cha ông từng sống trong Hồng Môn Bảo, sân viện được xây dựng đầu tiên trong biệt phủ. Năm 1994, một số sân viện trong biệt phủ mở cổng cho khách tham quan, ông Vương trở thành cố vấn văn hóa dân gian của di tích.
Ông Vương Nhu Kiệt trong biệt phủ nhà họ Vương năm 2022. Ảnh: Kankan News
Ông bắt tay vào công việc biên soạn gia phả nhà họ Vương từ năm 1999 tới nay, tìm kiếm được hơn 2.000 hậu duệ thêm vào gia phả, ghi chép cuộc đời của hàng chục nghìn người mang họ Vương thuộc thế hệ thứ 28.
Theo ông Vương, gia tộc đã phá vỡ quan niệm "không ai giàu ba họ" nhờ gia huấn tổ tiên chú trọng dạy dỗ con cháu biết giữ chữ tín, phép tắc, tích đức làm việc thiện. Điều này thể hiện qua các chi tiết chạm trổ trên tường, câu đối, bảng hiệu trong biệt phủ đều khắc những lời răn dạy như "ngọc bất trác bất thành khí, tử bất giáo bất tri đạo" (ngọc thô không mài giũa không thể thành món đồ tinh xảo, con cháu không dạy dỗ từ nhỏ không thể biết đạo lý).
"Điều giúp dòng tộc tồn tại hơn 700 năm, trải qua 8 thế hệ thịnh vượng là nghiêm khắc tuân theo bộ gia quy, gia huấn mà tổ tiên để lại", ông nói.
Quần thể kiến trúc độc đáo được bảo tồn hoàn hảo cùng ý nghĩa văn hóa truyền thống của một dòng tộc thịnh vượng, khiến Vương gia đại viện trở thành điểm tham quan độc đáo ở tỉnh Sơn Tây và Trung Quốc.
Hồng Hạnh (Theo Sohu)