"Tôi là một người sẵn sàng bỏ ra hơn 50.000 đồng để uống một ly cà phê của một thương hiệu ngoại. Không phải vì tôi sính ngoại mà vì không gian, cách phục vụ, cũng như khách hàng ở đó lịch sự, không quá ồn ào. Tất nhiên, mỗi ngày tôi vẫn mua ly cà phê Việt 20.000 đồng để mang đi làm. Nhưng khi có việc cần ra quán ngồi cùng bạn bè thì tôi vẫn ưu tiên chọn những nơi lịch sự, thoải mái, ít ồn ào".
Đó là chia sẻ của độc giả Kenddy cho câu hỏi "Sao cà phê ngoại 50.000 đồng vẫn đắt khách?". Có ý kiến cho rằng cà phê Việt được đánh giá là ngon nhất thế giới, giá rất bình dân, nhưng vẫn chật vật tìm chỗ đứng tại chính sân nhà - nơi có sản lượng cà phê xuất khẩu đứng thứ hai thế giới. Vậy lý do gì khiến người Việt sẵn sàng chi 50.000 - 100.000 đồng cho một ly cà phê đến từ thương hiệu nước ngoài thay vì mua một ly cà phê Việt truyền thống giá chỉ 15.000 đồng?
Bạn độc Hoang An cho rằng: "50.000 - 100.000 đồng cho một ly cà phê, theo tôi không chỉ là bỏ tiền mua một món đồ uống, mà còn là mua chỗ ngồi. Tôi vào các quán cà phê nổi tiếng vì chỗ ngồi, vì không gian quán chứ không hẳn vì đồ uống ngon hơn. Chỗ ngồi thoải mái, không gian không ồn ào xô bồ, sạch sẽ, mát mẻ, có thể ngồi cả buổi 3-4 tiếng... chính là những thứ cấu thành nên mức giá cao của những quán này.
Trong khi đó, quán cà phê Việt bình dân có thể bán một ly với giá chỉ 15.000 nhưng liệu khách có thể ngồi lâu vậy không? Ngay cả cái ghế ngồi đã không thoải mái thì làm sao có thể khiến khách hàng hài lòng và ủng hộ lâu dài được? Các thương hiệu đồ uống Việt nếu đầu tư một cách chuyên nghiệp, thì tôi tin giá thành của một ly cà phê cũng không hề rẻ. Sính ngoại chỉ là một phần, vấn đề lớn nhất còn lại là đầu tư cơ sở vật chất thế nào?".
>> Cà phê sập tiệm vì khách ngồi hàng giờ nhưng chỉ gọi ly 25.000 đồng
Đánh giá dưới góc độ kinh doanh sản phảm, độc giả Nam David nhận định: "Thực ra, cà phê Việt lép vế là do khả năng quảng bá hình ảnh của mình kém, xây dựng thương hiệu thua các doanh nghiệp nước ngoài. Hàng ngon, chất lượng, nhưng không biết làm hình ảnh và có chiến lược kinh doanh đúng đắn thì rất khó để phát triển.
Ví dụ đơn giản là khi tôi uống cà phê ở quê hương mình (Đắk Nông) dù chỉ có giá 10.000 đồng nhưng nó ngon hơn nhiều cà phê ở thành phố lớn. Vấn đề là làm sao để khách tỉnh khác tìm tới thưởng thức và biết cà phê ở đây ngon thì lại là bài toán khó giải. Thương hiệu không xây dựng được thì khách hàng sẽ chọn chỗ khác. Nếu như có sự liên kết giữa du lịch thưởng thức ẩm thực địa phương và xây dựng thương hiệu thì độ nhận diện hình ảnh đến khách hàng sẽ rất khác".
Đồng quan điểm, bạn đọc Lequangnhatcsg phân tích: Tại sao các quán cà phê ngoại bán giá cao vẫn đông khách? Đó là vì họ dày công xây dựng thương hiệu, không gian bố trí đồng nhất, không xô bồ, tùy hứng.
Nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng, không ham rẻ mua hàng trôi nổi là thứ tạo được lòng tin từ khách hàng. Khi tiếp bạn bè, đối tác, người dùng chắc chắn sẽ chọn những thương hiệu nổi tiếng để yên tâm. Việt Nam không phải không có những thương hiệu uy tín như vậy, nhưng chúng ta lại không biết cách giữ gìn thương hiệu để níu chân khách hàng".
"Khi mua một sản phẩm, người ta còn mua cả một phần lối sống nữa. Đừng cạnh tranh bằng giá rẻ nữa, hãy cạnh tranh bằng sự chu đáo và chuyên nghiệp. Chỉ cần chúng ta được bảy, tám phần chuyên nghiệp như các thương hiệu ngoại thì tôi sẵn lòng ủng hộ các sản phẩm Việt với giá tương đương", bạn đọc Thecong kết lại.
Tôi thành khách ruột vì quán cà phê không đuổi người 'cắm rễ' 'Không dám uống ly trà sữa 50.000 đồng để tiết kiệm 80% lương tháng' 'Quyền làm ồn' ở quán cà phê Người Việt đang tự 'đánh rơi' lợi nhuận từ cà phê Người trồng cà phê quê tôi chuộng loại pha trộn 'Khách gọi ly cà phê 20.000 đồng nhưng ngồi từ sáng tới tối' Tôi thành khách ruột vì quán cà phê không đuổi người 'cắm rễ' 'Không dám uống ly trà sữa 50.000 đồng để tiết kiệm 80% lương tháng' 'Quyền làm ồn' ở quán cà phê Người Việt đang tự 'đánh rơi' lợi nhuận từ cà phê Người trồng cà phê quê tôi chuộng loại pha trộn 'Khách gọi ly cà phê 20.000 đồng nhưng ngồi từ sáng tới tối'