Đau mắt khi nào cần đi khám?

17/09/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Sức Khỏe
Đau mắt khi nào cần đi khám?

Ngày 17/9, ThS.BS. Lê Kim Lan, Bệnh viện Mắt Kỹ thuật cao Hà Nội (Hitec), cho biết vào những dịp nghỉ lễ tết dài ngày hay thiên tai bão lũ, di chuyển khó khăn, nhiều bệnh nhân có các vấn đề về mắt không đến khám hoặc tái khám.

Nhiều người tự tra nhỏ thuốc hoặc dùng các bài thuốc dân gian như đun nước lá trầu không để xông, rửa. Một số trường hợp có thể đỡ hoặc tự khỏi. Tuy nhiên, không ít trường hợp mắt nặng lên hoặc có những biến chứng đáng tiếc, thậm chí hỏng mắt.

Như trường hợp ông Tuấn ở Hà Nội đến bệnh viện với 2 mắt cộm, ngứa. Đặc biệt, mắt mắt phải cộm nhiều hơn và chảy nước mắt, rất khó chịu. Cách đây gần một tháng ông đã đến khám và được chẩn đoán mắt phải bị viêm loét giác mạc hình cành cây, nghi do virus. Bác sĩ cấp đơn thuốc và hẹn khám lại sau một tuần. Tuy nhiên, thấy mắt dễ chịu hơn ông Tuấn không đi khám lại. Sau kỳ nghỉ lễ dài ngày và bão lũ ập tới, thấy mắt khó chịu tăng lên nhưng ông cũng không thể đi khám.

"Tình trạng viêm của bệnh nhân này vẫn đang tiến triển do lớp biểu mô chưa được hàn gắn, tái tạo hết làm cho bệnh nhân có dấu hiệu kích thích mắt, rất khó chịu", bác sĩ Lan nói, thêm rằng nếu không được bổ sung thuốc, can thiệp kịp thời, mắt có thể nặng thêm gây viêm loét, bội nhiễm sẽ ảnh hưởng đến thị lực, nguy cơ để lại sẹo vĩnh viễn trên giác mạc.

Theo bác sĩ Lan, sau mưa lũ, ngập lụt đem theo chất bẩn, độc hại, môi trường ô nhiễm, có thể gây các bệnh truyền nhiễm cho mắt. Có thể chỉ là tình trạng đau mắt đỏ thông thường, cũng có thể là những dấu hiệu ban đầu của những bệnh mắt nguy hiểm. Bác sĩ khuyến cáo các bệnh nhân, trong hoàn cảnh cảnh nào cũng cố gắng tuân thủ lịch hẹn tái khám của bác sĩ, tránh những hậu quả khôn lường.

Bác sĩ Lê Kim Lan khám mắt cho một bệnh nhân. Ảnh: Bích Phạm

Dưới đây là một số trường hợp cần được đi khám bác sĩ mắt mà không nên chủ quan:

Thứ nhất: Mắt đau đỏ, không có ghèn, dử, kèm theo nhìn mờ nhiều, đau lan lên nửa đầu cùng bên... có thể là những dấu hiệu chỉ điểm bệnh thiên đầu thống.

Thứ 2: Mắt đau đỏ, có ghèn dử, ít hôm sau thấy kèm theo chói, chảy nước mắt, nhìn mờ như màn sương trước mắt ... có thể là những dấu hiệu của viêm giác mạc sau đau mắt đỏ do virus.

Thứ 3: Mắt không đau, không đỏ nhưng nhìn mờ đột ngột, mờ từng vùng hoặc hoàn toàn, mờ 1 mắt hoặc 2 mắt... có thể là những dấu hiệu tổn thương mạch máu võng mạc cấp tính, đặc biệt trên những người có tiền sử tăng huyết áp.

Thứ 4: Mắt nhìn thấy chớp sáng, kèm theo nhìn thấy đám đen hoặc mờ đột ngột không thấy toàn bộ hình ảnh... có thể là những dấu hiệu tổn thương bong, rách võng mạc, đặc biệt trên những mắt cận thị nặng.

Thứ 5: Mắt có thể không đỏ nhiều, chỉ đỏ nhẹ xung quanh rìa lòng đen; mắt có thể không đau nhức dữ dội, chỉ âm ỉ sâu trong hốc mắt; mắt có thể không mờ nhiều mà chỉ như nhìn qua làn sương trước mặt ... có thể đó lại là những dấu hiệu của một bệnh nguy hiểm là viêm màng bồ đào.

Thứ 6: Những đốm nhỏ hoặc đám lớn màu đỏ, xuất huyết trên củng mạc (lòng trắng) thường xuất hiện khi các mạch máu nhỏ dưới kết mạc bị vỡ tự nhiên hoặc do có tác động từ bên ngoài. Xuất huyết ít, nhẹ có thể sẽ tự tan sau vài ngày đến một tuần. Tuy nhiên, với người bệnh tiểu đường, khi lượng đường trong máu quá cao, các mạch máu nhỏ dễ tắc nghẽn và vỡ nhiều hơn. Đó là những dấu hiệu chỉ điểm người bệnh cần được theo dõi và kiểm soát đường huyết trước khi bệnh có thể gây biến chứng giảm thị lực do tổn thương các mạch máu ở võng mạc.

Lê Nga

Tin liên quan
Tin Nổi bật