'Gặm mì tôm sống chung với lũ'

17/09/2024
|
0 lượt xem
Đời Sống Ý Kiến
'Gặm mì tôm sống chung với lũ'

Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác nằm trên thanh xà nhà trong trận lụt lịch sử tháng 11/1999. Năm đó, tôi học lớp 12 và buổi tối thường ra quán ăn phụ ba mẹ. Thời đó, ba mẹ tôi ở khu vực nội thành Huế, nơi lúc nào đến mùa mưa lụt cũng mênh mang nước. Cái quán nhỏ bán hàng ăn của ba mẹ tôi nằm giữa hai cái hồ nhỏ trồng rau muống, trên đó người ta cắm sào để phân ô trồng rau.

Tối đó, thấy nước lên nhanh, ba mẹ và tôi tranh thủ dọn dẹp sớm, nhưng dòng nước đục ngầu không biết từ đâu tuôn đến ào ạt, dâng ngập đường, rồi ngập cái quán nhỏ trong phút chốc. Ba tôi lấy mấy cục gạch kê giường, tủ, tivi... rồi dùng cả ghế, cả bàn nhưng vẫn không kịp. Ba tôi bảo "giờ về nhà nước còn sâu hơn, mà hai mẹ con không biết bơi, nên ở lại quán rồi chờ mai nước rút".

Nhìn bức tường còn lưu dấu vết của trận lụt năm ngoái, tôi nghĩ bụng: "Chắc đợt này cũng ngang đó thôi, ba nhỉ?". Nhưng tôi đã nhầm, nước lên ngập đến bụng, rồi đến ngực, đến cổ chỉ trong một buổi tối, đồ đạc, áo quần, thức ăn, gạo... trôi lềnh bềnh trong nước. Ba tôi phá lớp trần bằng la phông, để cả nhà leo lên, rồi chêm thêm mấy miếng ván nhỏ lượm được chồng lên thanh xà.

Vậy là ba mẹ, tôi và con chó nhỏ nằm vắt vẻo trên thanh xà nhà suốt gần ba ngày. Thực phẩm không có gì ngoài mấy gói mì tôm khô. Tôi ôm con chó nhỏ, bẻ cho nó ít vụn mì. Nhạt miệng, tôi lấy gói muối mì tôm ra chấm chấm, nhìn trời, nước và chờ đợi được giải cứu.

Thời đó không có phương tiện, báo đài đưa tin rầm rộ như bây giờ, vật chất còn thiếu thốn nên cứ qua một mùa mưa bão là người dân chẳng còn lại gì. Hàng nghìn ngôi nhà chìm trong nước bạc, mất điện, không có nước, không có điện thoại, mọi thứ tê liệt hoàn toàn. Năm đó, Huế có 352 người chết, 21 người mất tích..., phần lớn người dân rơi vào cảnh thiếu lương thực, nhịn đói trong nhiều ngày như gia đình tôi.

>> Ngồi thuyền phát mì gói cứu trợ nơi nước ngập đến đầu gối

Khi nước rút, mỗi gia đình như chúng tôi được nhận một thùng quà, chỉ biết đó là quà viện trợ. Trong thùng quà đó có hai cái chăn lông cừu dày dặn, xoong nồi, ấm nấu nước, chảo, chén bát... và một ít lương thực. Chỉ vậy thôi nhưng ba mẹ tôi nhớ mãi, nhất là hai cái chăn dày dặn ấm áp đó vẫn được mẹ tôi sử dụng mãi cho đến sau này.

Trải qua những trận lụt lịch sử kinh hoàng, người dân Huế biết chia sẻ đùm bọc nhau hơn, và tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn để đối phó và sống chung với lũ lụt. Bên cạnh, việc thường xuyên cập nhật tin tức, chúng tôi còn bằng quan sát và kinh nghiệm để đối phó với bão lụt như: gia cố nhà cửa, mái tôn, cắt tỉa cành cây, tích trữ lương thực, đặc biệt là lương thực khô, chuẩn bị máy nổ, bếp ga, đèn sạc, sạc dự phòng và thậm chí các nhiên liệu khác như đèn dầu, nến đề phòng mất điện nhiều ngày, tích trữ nước sạch, kê cao tài sản trong nhà, chuẩn bị túi nilon dày để bảo vệ sách vở, áo quần, chăn màn tránh mưa ướt... và tuyệt đối hạn chế ra đường để bảo vệ tính mạng.

Đó là những kinh nghiệm nằm lòng mà chúng tôi không bao giờ quên. Hàng năm, vạch nước cũ vẫn còn trên tường nhà của rất nhiều người dân Huế vẫn còn đó, như nhắc nhở cảnh báo chúng tôi không được chủ quan và phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống khi mùa mưa bão đến.

Nguyễn Thị Mỹ Hạnh

Hoài Linh 'chữa cháy' 15,4 tỷ đồng từ thiện Khi nghệ sĩ từ thiện chỉ với tấm lòng Nghệ sĩ Việt cần học làm từ thiện chuyên nghiệp 'Từ thiện thầm lặng là tôn trọng người nhận' Khi nghệ sĩ kêu gọi từ thiện một đằng, làm một nẻo Công bằng với nghệ sĩ làm từ thiện Hoài Linh 'chữa cháy' 15,4 tỷ đồng từ thiện Khi nghệ sĩ từ thiện chỉ với tấm lòng Nghệ sĩ Việt cần học làm từ thiện chuyên nghiệp 'Từ thiện thầm lặng là tôn trọng người nhận' Khi nghệ sĩ kêu gọi từ thiện một đằng, làm một nẻo Công bằng với nghệ sĩ làm từ thiện
Tin liên quan
Tin Nổi bật