Trả lời:
Mức độ nặng nhẹ của bệnh tiểu đường phụ thuộc vào từng tình trạng bệnh cụ thể, giai đoạn tiến triển và các yếu tố khác... Không có căn cứ cho rằng tiểu đường type 1 nặng hơn type 2 và ngược lại.
Tiểu đường type 1 và type 2 là hai loại bệnh tiểu đường thường gặp nhất. Nguyên nhân do cơ thể giảm sản xuất insulin, đề kháng insulin hoặc cả hai. Insulin là hormone do tuyến tụy tiết ra, giúp đưa đường từ máu vào tế bào để tạo năng lượng cho cơ thể. Thiếu hụt insulin khiến cơ thể không thể chuyển hóa đường (glucose) thành năng lượng, làm lượng đường trong máu tăng.
Người bệnh đang được đo đường huyết tại giường. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Tiểu đường type 1: Khoảng 95% người bệnh tiểu đường type 1 do nguyên nhân tự miễn trên tế bào beta tuyến tụy, khiến các tế bào này tổn thương và hoại tử, dẫn đến cơ thể thiếu hụt insulin nội sinh. 5% người bệnh tiểu đường type 1 không tìm ra nguyên nhân (vô căn).
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở trẻ em và người trẻ. Nhiễm toan ceton là biến chứng nghiêm trọng của tiểu đường type 1, có thể dẫn đến tử vong nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời. Triệu chứng thường gặp là khát nước và uống nhiều nước, đi tiểu nhiều, ăn nhiều, sụt cân, mệt mỏi.
Tiểu đường type 2: Người bệnh tiểu đường type 2 chiếm khoảng 90-95% tổng ca tiểu đường. Nguyên nhân gây bệnh do cơ thể đề kháng với insulin, khiến đường không được vận chuyển từ máu vào tế bào. Đường không được chuyển hóa tích tụ trong máu, làm tăng đường huyết.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường type 2 bao gồm di truyền, lối sống ít vận động, tình trạng thừa cân, béo phì hoặc các yếu tố môi trường khác. Bệnh có thể cải thiện khi thay đổi chế độ ăn, giảm cân, sử dụng thuốc điều trị, tuy nhiên khó có thể điều trị dứt điểm. Triệu chứng tiểu đường type 2 gồm tiểu nhiều, khát và uống nhiều nước, ăn nhiều, sụt cân, mờ mắt, tê chân. Da dễ nhiễm trùng, giảm hay mất cảm giác ở bàn chân.
Bạn mắc bệnh tiểu đường type 2 được bác sĩ chỉ định dùng thuốc thì nên tuân thủ, không tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi liều lượng. Người bệnh tiểu đường type 1 và type 2 được phát hiện sớm, điều trị kịp thời tại chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường vẫn có thể sống khỏe và kéo dài tuổi thọ. Trong quá trình điều trị, người bệnh được phối hợp theo dõi bởi nhiều chuyên khoa khác như Tim mạch, Thần kinh, Thận, Mắt... để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
BS.CKI Đoàn Minh Yên HàKhoa Nội tiết - Đái tháo đường Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp