Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá cà phê xuất khẩu liên tục tăng. Tháng 9, giá bình quân đạt 5.469 USD một tấn, mức cao nhất từ trước đến nay.
Tính chung 9 tháng, mỗi tấn cà phê xuất khẩu bình quân đạt 3.897 USD một tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Cà phê trở thành sản phẩm nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Nhờ đó, Việt Nam thu về gần 4,4 tỷ USD từ loại nông sản này trong 9 tháng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Mức này vượt kim ngạch cả năm ngoái.
CEO một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê tại TP HCM, cho biết thị trường chứng kiến giá cà phê tăng "phi mã", mỗi kg từ mức 40.000 đồng vào đầu năm 2023 lên 129.000 đồng hồi tháng 4. Tuy nhiên, đầu tháng 10, giá nông sản này giảm 4.500 đồng một kg, xuống 117.300 đồng, do tác động từ việc Liên minh châu Âu (EU) thông báo hoãn thực hiện Luật chống phá rừng (EUDR).
Dù vậy, ông nhận định đây là sự điều chỉnh tạm thời vì nguồn cung nội địa đang khan hiếm. Nhiều nông dân đã chuyển đổi diện tích cà phê sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn như sầu riêng, bơ và chanh dây. Điều này dẫn đến sản lượng cà phê giảm mạnh.
Đồng quan điểm, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh, chia sẻ năng suất vụ mùa năm nay có thể tăng, nhưng tồn kho tại các doanh nghiệp đang rất thấp. Bốn tháng qua các doanh nghiệp, gồm Phúc Sinh, không có hàng để thu mua. Điều này khiến tình hình kinh doanh trở nên khó đoán, nhất là khi các yếu tố địa chính trị có thể tác động mạnh đến giá cà phê thời gian tới.
Theo Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam, dự báo cho niên vụ 2024-2025, Việt Nam đối mặt nhiều thách thức do điều kiện thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là hiện tượng El Nino gây khô hạn và tình trạng sâu bệnh. Sản lượng cà phê dự kiến giảm 5-15% so với niên vụ trước, khiến tổng sản lượng tiếp tục đi xuống.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn lạc quan. Bộ này dự báo kim ngạch xuất khẩu nông sản này năm nay vượt 5 tỷ USD, thậm chí đạt 6 tỷ USD nhờ giá cao.
Thi Hà